Tóm tắt: Hà Nguyễn | Hiệu đính: Huy Phùng | Ngày đăng: 2020-02-28

Mục đích nghiên cứu
Học sinh nhập cư ở Hoa Kỳ thường chia làm hai nhóm: nhóm nhập cư có giấy tờ (documented) và nhóm không có giấy tờ (undocumented). Tuy nhiên, ở Mỹ, tình trạng có hay không có giấy tờ thường là chủ đề cấm kị, học sinh nhập cư không có giấy tờ thường không có tiếng nói và thường chịu ảnh hưởng lớn của định kiến, gây ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bản sắc tích cực (positive identity) và cái nhìn thiện cảm của người xung quanh (positive positioning) có tác động hỗ trợ việc học của các em. Nghiên cứu này tập trung tìm hiểu cách học sinh thuộc nhóm nhập cư không giấy tờ nói về mình, phản ứng của học sinh nhập cư có giấy tờ cũng như chuyển biến theo thời gian của nhóm thứ hai.
Phương pháp nghiên cứu
Hemmler và Kibler thu thập dữ liệu từ một trường công lập cấp 3 của Mỹ, nơi mỗi năm có khoảng 2000 học sinh nói 30 tiếng mẹ đẻ khác nhau theo học. Dữ liệu bao gồm 50 buổi quan sát lớp (95’/buổi), có ghi âm, ghi hình và ghi chú thực địa. Dữ liệu trong bài báo này tập trung vào Jose, học sinh nhập cư có giấy tờ gốc Tây Ban Nha; Kayla và Marisol, học sinh nhập cư không giấy tờ gốc Tây Ban Nha; và Olga, học sinh nhập cư có giấy tờ gốc Nga. Trong số các cuộc đối thoại về dân nhập cư mà 4 học sinh này tham gia, có 3 cuộc đối thoại các em trực tiếp đề cập đến vấn đề giấy tờ khi nhập cư. Tác giả sử dụng microethnography (phân tích cách sử dụng ngôn ngữ trong bối cảnh rộng về văn hóa, chính trị, xã hội để kết luận về bản sắc người sử dụng ngôn ngữ) và phân tích diễn ngôn phê phán (Critical Discourse Analysis) để phân tích 3 cuộc đối thoại nêu trên theo khung lý thuyết về bản sắc của Bucholtz và Hall (2005). Phân tích tập trung vào các yếu tố ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (contextualization cues), cách sử dụng từ ngữ (lexicalization) và cách dùng động từ tình thái (modal).
Kết quả nghiên cứu
Nhóm học sinh nhập cư không có giấy tờ cho rằng mình bị đối xử không công bằng (không được chính phủ hỗ trợ nhiều nếu muốn vào đại học), việc phải di dân đến Mỹ là bất khả kháng, không do lỗi của các em. Olga không đồng tình, cho rằng không có hồ sơ nhập cư là vấn đề của nhóm học sinh này, đưa ra nhận định về việc nhóm nhập cư “bất hợp pháp” (từ của Olga) thường không đóng thuế. Nhận định này vấp phải sự phản kháng từ Kayla và Marisol. Sau một thời gian tiếp tục làm việc nhóm, chủ đề nhập cư tiếp tục được thảo luận, Kayla dùng ngôn ngữ thể hiện lý do bất khả kháng phải đến Mỹ (bố bị giết, gia đình gặp nguy hiểm). Olga thể hiện sự thông cảm với Kayla, đứng về phía Kayla, cho rằng những người khác cần thay đổi hiểu biết về nhóm nhập cư không giấy tờ.
Ý nghĩa thực tiễn
Việc tạo không khí học tập giúp các em có thể trao đổi thông tin và thương lượng bản sắc có vai trò tích cực trong việc tăng cường hiểu biết xã hội về đối tượng đông đảo nhưng còn gặp nhiều thiệt thòi này. Kết quả nghiên cứu giúp giáo viên hiểu học sinh, có biện pháp thích hợp để tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.
Bài báo gốc: Hemmler, V. L., & Kibler, A. K. (2019). “You ARE Immigrant…but Not Like Us”: A discourse analysis of immigrant students’ positioning of undocumented immigrants in a CLD classroom. Linguistics and Education, 54, 100763. https://doi.org/10.1016/j.linged.2019.100763
Photo Credit: https://images.pexels.com/photos/1126621/pexels-photo-1126621.jpeg?auto=compress&cs=tinysrgb&dpr=1&w=500
https://docs.google.com/document/d/1FU2jnomYKvN0cVh9UNaCjzXVleL6djrRLSo6JMoCar4/edit?usp=sharing