Tóm tắt: Huong Tran | Hiệu đính: Huy Phung | Ngày đăng: 2019-12-05

Lý do nghiên cứu
Động lực học tập là một yếu tố quan trọng trong dạy-học ngoại ngữ vì động lực thôi thúc người học vượt qua khó khăn hay trở ngại bản thân để kiên trì, bền bỉ học tập và đạt được mục tiêu. Trong lý luận về động lực học ngoại ngữ, có nhiều đường hướng và cách tiếp cận khác nhau, nổi bật trong những năm gần đây là lý thuyết về hệ động lực chủ thể trong học ngoại ngữ (L2MSS) do Zoltán Dörnyei đề xuất. L2MSS cho rằng khoảng cách giữa con người hiện tại và con người lý tưởng mà người học muốn trở thành sẽ thúc đẩy họ hành động để hiện thực hoá con người lý tưởng mà họ hướng tới. Nghiên cứu sau được tiến hành để tìm hiểu xem liệu giúp người học hình dung về bản thân trong tương lai như một người sử dụng ngoại ngữ thành thạo (viễn kiến/con người lý tưởng) có giúp họ thêm động lực học tập và thúc đẩy họ hành động hay không.
Phương pháp nghiên cứu
Nhà nghiên cứu chia 51 sinh viên ở bốn lớp làm 2 nhóm nghiên cứu: nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng. Cả hai nhóm sau đó trả lời phiếu khảo sát về các nội dung như động lực học tập, thái độ học tiếng Anh, con người lý tưởng, khả năng mường tượng. Tiếp đó, nhóm thực nghiệm tham gia vào các hoạt động được thiết kế nhằm giúp người học phát huy năng lực tưởng tượng, tìm ra hình mẫu để noi gương, rèn khả năng mường tượng xem bản thân như một người sử dụng tiếng Anh thành thạo. Những hoạt động này được đan xen vào chương trình học kéo dài suốt kỳ học 11 tuần. Sau đó cả hai nhóm sinh viên trả lời lại phiếu khảo sát, đồng thời sinh viên ở nhóm thực nghiệm viết về trải nghiệm bản thân, đánh giá ảnh hưởng do tác động sư phạm mang lại.
Kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng kỹ thuật phân tích thống kê ANCOVA để phân tích số liệu khảo sát trước và sau thực nghiệm đồng thời kết hợp phân tích theo chủ điểm nội dung định tính từ nhóm thực nghiệm. Kết quả cho thấy việc can thiệp sư phạm nhằm nâng cao viễn kiến cho người học đem lại tác động tích cực lên khả năng mường tượng (imagery capacity), chất lượng viễn kiến (visions), động lực học tập (intended effort), và thái độ đối với việc học tiếng Anh.
Ý nghĩa thực tiễn
Nghiên cứu xác nhận tầm ảnh hưởng của viễn kiến lên động lực học ngoại ngữ của người học. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn dạy-học vì khi người học biết hình dung cụ thể về việc sử dụng ngoại ngữ trong tương lai , họ có cơ sở để đối chiếu với khả năng hiện tại, xác định điểm mạnh yếu để có kế hoạch và chiến lược thực hiện.
Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng còn nhiều hạn chế qua việc sử dụng công cụ khảo sát tự đánh giá (self-reported questionnaire) và chưa đối chiếu sự thay đổi trong kết quả học tập người học.
Bài báo gốc: Safdari, S. (2019). Operationalizing L2 motivational self system: Improving EFL learners’ motivation through a vision enhancement program. Language Teaching Research. https://doi.org/10.1177/1362168819846597
Photo credits: https://images.pexels.com
Cite this summary:
Tran, H. (2019). Viễn kiến có giúp cải thiện động lực học ngoại ngữ? Multiʻōlelo Summary of Safdari (2019) in Language Teaching Research. Retrieved from https://multiolelo.com/2019/12/06/l2mss-2019