Yếu tố ảnh hưởng tới hiệu quả của việc phản hồi sửa lỗi

   Tóm tắt: Hoa Lê | Hiệu đính:  Huy Phung | Ngày đăng: 2019-03-01

Lý do nghiên cứu

Phản hồi sửa lỗi (Corrective Feedback) trong dạy-học ngoại ngữ là hình thức giáo viên giúp người học chú ý tới những lỗi ngôn ngữ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp để giúp người học phát triển năng lực giao tiếp. Các nghiên cứu trước đây đã nhấn mạnh tới lợi ích, vai trò của việc phản hồi sửa lỗi đồng thời cũng chỉ ra một số yếu tố tác động đến tính hiệu quả của hoạt động này. Tuy nhiên, các yếu tố đó được nghiên cứu tách biệt, không đặt trong mối tương quan với nhau trong khi tính hiệu quả của việc phản hồi sửa lỗi cần dựa trên sự tương tác của nhiều yếu tố. Vì vậy, mục đích của nghiên cứu này nhằm tìm ra mối liên hệ giữa các yếu tố bao gồm: hình thức phản hồi, trình độ ngôn ngữ của người học, và đặc tính ngôn ngữ.  

Phương pháp nghiên cứu

78 học viên tiếng Trung được chia thành hai nhóm lớn dựa trên kết quả bài thi phân loại trình độ HSK (gọi tắt là nhóm Cao và nhóm Thấp). Sau đó, mỗi nhóm lớn lại được chia thành ba nhóm nhỏ để tham gia thực nghiệm. Một nhóm được sửa lỗi gián tiếp (recast), một nhóm được sửa lỗi trực tiếp (metalinguistic), và một nhóm đối chứng không nhận được cả hai loại phản hồi trên. Tiếp theo, học viên thực hiện bốn tác vụ khác nhau (miêu tả tranh, tìm điểm khác nhau trong hai bức tranh, xem đoạn phim ngắn rồi kể lại, và trả lời câu hỏi phỏng vấn). Hai tác vụ đầu tiên tập trung vào lỗi ngữ pháp dễ nhận biết (như ‘classifiers’) và hai tác vụ sau tập trung vào lỗi ngữ pháp phức tạp hơn (như perfective–le). Để đánh giá khả năng đắc thụ và sử dụng hai mẫu ngữ pháp này, nhà nghiên cứu cho học viên làm bài thi phán đoán ngữ pháp (Grammatical Judgement Test-GJT) và bài thi nhắc lại mẫu câu (Elicited Imitation-EI) ba lần khác nhau. Lần thứ nhất diễn ra trước khi học viên tham gia tác vụ, lần thứ hai diễn ra ngay sau khi hoàn thành tác vụ và lần thứ ba người học làm các bài thi GJT và EI một tuần sau đó.

Kết quả nghiên cứu

Đối với đặc điểm ngữ pháp phức tạp (perfective–le), phản hồi sửa lỗi gián tiếp (recast) có ít hiệu quả đối với nhóm Thấp, nhưng có hiệu quả cao với nhóm Cao. Nhóm Thấp hưởng lợi nhiều từ hình thức sửa lỗi trực tiếp (metalinguistic), thể hiện rõ nét qua bài trắc nghiệm GJT. Đối với đặc điểm ngữ pháp dễ nhận biết (classifiers), cả hai loại phản hồi đều giúp ích cho hai nhóm người học, và hiệu quả được thể hiện tức thời và duy trì lâu dài.

Ứng dụng thực tiễn

Nghiên cứu này chỉ ra mối tương quan giữa hình thức phản hồi, năng lực ngoại ngữ của người học, và đặc tính ngôn ngữ. Hình thức phản hồi trực tiếp mang lại hiệu quả tích cực hơn phản hồi gián tiếp đối với nhóm học viên trình độ thấp. Đối với nhóm học viên trình độ cao, giáo viên có thể sửa lỗi gián tiếp liên quan tới các cấu trúc ngữ pháp phức tạp vì việc này có lợi cho người học và có hiệu quả lâu dài hơn so với việc sửa gián tiếp các lỗi ngữ pháp đơn giản.

Bài báo gốc:  Li, S. (2014). The interface between feedback type, L2 proficiency, and the nature of the linguistic target. Language Teaching Research, 18(3), 373-396. https://doi.org/10.1177/1362168813510384

Quý vị có thể nhận xét, góp ý cho nội dung bản tóm tắt qua Google Docs https://docs.google.com/


Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s