Tóm tắt: Hà Nguyễn | Hiệu đính: Huy Phùng | Ngày đăng: 2019-03-25

Mục đích nghiên cứu
Ở các trường đại học tại Hoa Kỳ, việc sinh viên sau đại học tham gia giảng dạy, trợ giảng các lớp trình độ đại học đã là một thông lệ. Tuy nhiên, khi sinh viên quốc tế đảm nhận vai trò này, nhiều vấn đề phát sinh do những khác biệt về văn hoá và thách thức về ngôn ngữ. Sinh viên quốc tế khi tham gia giảng dạy được xem như là chuyên gia trong lĩnh vực của mình, nhưng khả năng ngôn ngữ của họ lại có thể không phong phú như sinh viên bản xứ. Sử dụng khung lý thuyết của Ngôn ngữ học xã hội tương tác (interactional sociolinguistics), phân tích hội thoại (conversation analysis) và thuyết định vị (positioning theory), nghiên cứu này tìm hiểu xem bản sắc (identity) của các trợ giảng quốc tế được thương lượng ra sao trong quá trình tương tác với sinh viên Mỹ bản xứ tập trung vào hai vai trò của trợ giảng: có chuyên môn cao hơn sinh viên đại học bản xứ nhưng còn gặp khó khăn trong sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy theo đánh giá của sinh viên.
Phương pháp nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu gồm 5 trợ giảng là nghiên cứu sinh ngành Kinh tế học tại một trường đại học ở Mỹ và năm sinh viên người Mỹ. Dữ liệu được thu thập thông qua ghi âm trao đổi giữa trợ giảng và sinh viên ngoài giờ học (giờ tiếp sinh viên). Tác giả tập trung vào 2 câu hỏi nghiên cứu:
- Câu hỏi 1: Thương lượng bản sắc giữa trợ giảng và sinh viên thể hiện trong những bước thoại nào?
- Câu hỏi 2: Sinh viên nhận định như thế nào về kiến thức và khả năng ngôn ngữ của trợ giảng?
Tác giả dùng phân tích hội thoại để trả lời câu hỏi nghiên cứu đầu tiên. Sau khi phân tích dữ liệu lần đầu, tác giả gặp mặt phỏng vấn sinh viên, từ đó xác định những phần hội thoại mà sinh viên bản xứ gặp khó khăn trong giao tiếp với trợ giảng đồng thời tìm hiểu nhận định của sinh viên về trợ giảng khi sinh viên tiếp lời trong giao tiếp với trợ giảng.
Kết luận/Kết quả nghiên cứu
Tiếp lời trở thành công cụ “định vị” cũng như công cụ thương lượng bản sắc. Sinh viên có xu hướng tiếp lời khi trợ giảng tạm ngừng trong lúc giải thích một vấn đề nào đó. Tuy tiếp lời có thể giúp trao đổi giữa trợ giảng và sinh viên diễn ra trôi chảy, tác giả kết luận rằng bước thoại này đóng vai trò “định vị” trợ giảng, thể hiện đánh giá tiêu cực của sinh viên về khả năng ngôn ngữ và khả năng sư phạm của trợ giảng. Trợ giảng khẳng định chuyên môn của mình thông qua việc tán đồng giải pháp sinh viên đưa ra hoặc chỉnh sửa và đưa ra đáp án đúng.
Ý nghĩa thực tiễn
- Đào tạo trợ giảng cần chú trọng đến việc giúp trợ giảng nắm được khuynh hướng giao tiếp mang tính kiểm soát của sinh viên Mỹ bản xứ.
- Giáo dục để thay đổi nhận định của sinh viên bản xứ trong quá trình tương tác và học tập với trợ giảng quốc tế trong các trường đại học.
Bài báo gốc: Chiang, S. (2016) “Is this what you’re talking about?”: Identity negotiation in international teaching assistants’ instructional interactions with U.S. college students. Journal of Language, Identity & Education, 15(2), 114-128, https://doi.org/10.1080/15348458.2016.1137726
Đọc trên Google Docs và yêu cầu chỉnh sửa: https://goo.gl/Wa6E3o
Photo by rawpixel.com on Pexels.com